Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu

Cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để thêm nhiều người hưởng lương hưu

Theo một chuyên gia về lao động, năm 2020, có 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng có 880.000 người nhận BHXH một lần, tức sau này không có lương hưu.

Vì vậy cần sửa Luật BHXH để có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.

Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi nhằm sửa đổi những tồn tại, hạn chế của Luật BHXH hiện hành (ban hành năm 2014), trong đó có việc nhiều người quan tâm là rút ngắn thời gian tối thiểu được hưởng "lương hưu" từ 20 năm xuống thời gian ngắn hơn là 15 năm hoặc 10 năm.

Người bỏ BHXH trước nghỉ hưu khá lớn

Lý do của việc sửa đổi, một chuyên gia về BHXH cho rằng với chính sách BHXH hiện nay, tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. 

Ngoài ra, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, diện bao phủ BHXH cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế hiện nay còn thấp. Đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, còn gần 32 triệu người còn lại (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Trong tờ trình, lý do của việc cần thay đổi Luật BHXH là để "thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH" cũng như tạo "sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan"... Cụ thể, nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đây là một thách thức rất lớn.

Nhìn lại thực tế đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu thì có khoảng 9,2 triệu người (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Số còn lại gồm trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) và hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người).

"Chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do ngân sách đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn. Năm 2020, chỉ có khoảng 1 triệu người tham gia BHXH thì cũng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần", một chuyên gia về BHXH ở Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.
Mục tiêu đóng BHXH 10 năm cũng có lương hưu

Một trong những thay đổi được nhiều người quan tâm là theo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm như hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bình luận về đề xuất này, ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết với số lượng chỉ khoảng 1/3 lao động tham gia BHXH; số còn lại thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do chưa tham gia BHXH có thể xem là một mối lo.

Cụ thể, số người không tham gia BHXH khi họ về già không có lương hưu sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội. Do đó, điều cần hướng tới là làm sao để người lao động tham gia BHXH có thể duy trì thời gian đóng BHXH để về già có sổ hưu và không hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Để làm được điều đó, một mặt phải tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của lương hưu, không chỉ ở khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi họ về già. Vì thế, quy định để người lao động có thêm cơ hội có lương hưu bằng cách giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu, thay vì phải đóng tối thiểu 20 năm thì có thể giảm xuống 15 năm, 10 năm như nhiều nước đang làm là điều hợp lý và khuyến khích người lao động tham gia.

"Đây là điều hoàn toàn hợp lý, giúp người lao động có thêm động lực tham gia BHXH đủ số năm để hưởng lương hưu. 20 năm đóng BHXH như quy định hiện nay quá dài khiến người lao động có tâm lý rằng họ không thể nào làm việc đủ 20 năm và có xu hướng rút trợ cấp BHXH một lần mỗi khi chuyển việc" - ông Chính nói.

Thu hút và "giữ chân" bằng cách nào?

Từ mục tiêu phải tăng diện bao phủ và đối tượng thụ hưởng BHXH: năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45%, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội và tiếp tục tăng lên vào năm 2030, Bộ LĐ-TB&XH đưa giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...

Với việc "giữ chân" người lao động ở lại với BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần (có lộ trình). Sửa đổi các căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ BHXH đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện... (Theo Báo Tuổi trẻ)