Bài dự thi "Ký ức người lính" NT. Cẩm Mỹ

Bài dự thi "Ký ức người lính" NT. Cẩm Mỹ

HOA LỬA VÙNG ĐẤT ĐỎ

 

Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa

                                              Nguyễn Đình Thi (Trường ca Bài thơ Hắc Hải)

 

ĐỨNG LÊN TỪ TRONG MÁU LỬA

            Đồn điền Cẩm Mỹ những ngày tháng 3 năm 1970 sôi động với vụ trưởng ấp Suối Sóc bị thương nặng vì trúng trái đánh, mấy tháng sau một phó ấp an ninh bị tiêu diệt cùng với 3 dân vệ bị thương nặng. Bọn tề ngụy hết sức hoang mang ban đêm chốt trong đồn không dám bung ra rình rập, phục kích bên ngoài như trước. Những chiến công này ghi dấu hoạt động của đội trinh sát vũ trang mật đồn điền, mới vừa thành lập đầu năm 1970. Một trong hai lãnh đạo của đội là đoàn viên thanh niên Lê Thị Mác cùng với 14 đoàn viên , phần lớn là nữ.

            Sinh ra trong một gia đình công tra, chị Hai Mác theo cha mẹ ra lô từ nhỏ, lớn lên làm công nhân cạo mủ cao su; cuộc sống vất vả, ngột ngạt trong khu dồn dân ấp chiến lực đã sớm hun đúc ý chí tinh thần cách mạng của người nữ chiến binh sau này. Ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, chị Hai Mác đã trở thành người đoàn viên thanh niên cộng sản nòng cốt, sớm bộc lộ tư chất lãnh đạo, chị tham gia tổ chức gia đình phật tử chùa Long Sơn để gần gũi tập hợp thanh niên, thông qua các buổi sinh hoạt gặp gỡ, giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Từ khi thành lập, đội trinh sát vũ trang mật đã xây dựng và củng cố được lực lượng thanh niên nòng cốt, sưu tra theo dõi các đối tượng ác ôn và mật báo, chuyển tài liệu và vũ khí vào sâu trong ấp chiến lực để tổ chức đánh  địch viết thư nặc danh, thư cảnh cáo, rải truyền đơn, tung tin tuyên truyền gây hoang mang trong nội bộ địch. Có thời gian lực lượng thanh niên còn phải kiêm nhiệm công tác củng cố tổ công đoàn, lãnh đạo công nhân đồn điền đấu tranh.

            Trong những năm 1971 – 1972 đội trinh sát vũ trang mật đã tham gia nhiều chiến dịch của huyện Đồn điền, với các cuộc tấn công địch trên lộ 2 (Quốc lộ 56) tiêu diệt sinh lực của Mỹ ngụy. Tổ chức đột kích vào ấp chiến lược, diệt ác ôn, phá rã tổ chức phòng vệ dân sự của đồn điền. Tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ “tiếp tục mở mảng mở vùng” trên lộ 2 và các sở cao su, đạt nhiều thắng lợi.

Sau những tháng năm tích cực hoạt động trong lòng địch, đến giữa năm 1972, chị Hai Mác cùng nhiều đoàn viên thanh niên ưu tú khác đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản. Trước khi hiệp định Pari được ký kết, đồng chí Hai Mác và các đồng chí trong chi bộ cùng với cán bộ du kích, công nhân Cẩm Mỹ sôi nổi bước vào đợt “ Chồm lên chiếm lĩnh”, chuẩn bị giành đất, giành dân. Lực lượng ta tổ chức tấn công đồng loạt ở khắp các đồn điền cao su, riêng ở Cẩm Mỹ đã đánh chiếm khu nhà máy, ấp Suối Sóc, ấp Láng Lớn bao vây đồn địch ở đồi Con Chim trong nhiều ngày đêm và diệt nhiều tề ngụy, ác ôn.

Sau khi ký hiệp định Pari (27/1//1973), địch lập tức vi phạm, tổ chức nhiều cuộc càn quét vùng giải phóng đồng thời tiến hành củng cố bộ máy tề ngụy bên trong đồn điền. Chị Hai Mác cùng các đồng chí trong chi bộ, lực lượng du kích xã, đội trinh sát mật tiêu diệt một số ác ôn, tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị , trong khi bộ đội chủ lực tiến công các đồn bót trên lộ 2, gây nhiều thiệt hại cho địch. Đầu năm 1975, thực hiện nghị quyết của cấp trên, chi bộ Cẩm Mỹ khẩn trương chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch, lãnh đạo quần chúng nổi dậy làm chủ đồn điền Sáng ngày 19/4/1975, Cẩm Mỹ được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu thắng lợi của 21 năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 30/74/1975 giải phóng Sài Gòn, đất nước thống nhất, chị Hai Mác cùng với mọi người bắt tay xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống của những người chủ thật sự trong độc lập tự do.

CHIẾN ĐẤU CHO SỰ BÌNH YÊN

            Sau ngày 30/4/1975, bộ máy chính quyền cách mạng đồn điền cao su Cẩm Mỹ được thành lập, chị Hai Mác là thành viên nữ, trẻ tuổi nhất tham gia ủy ban, đã chỉ đạo công nhân tiếp thu và bảo quản tốt toàn bộ tài sản của tư sản Pháp bỏ lại.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tư Đạt , bí thư chi bộ, chị Hai Mác cùng 10 đảng viên khác bắt tay vào công tác ổn định đời sống của công nhân, khôi phục sản xuất. Ngày 2/6/1975 , 514 công nhân phần lớn già yếu, phụ nữ và trẻ em đã ra quân khôi phục sản xuất. Vườn cây cao su già cỗi, bị khai thác đến kiệt sức, đầy dẫy bom mìn; nhà ở, kho tàng bị bom đạn tàn phá và xuống cấp hư hỏng nặng, chính quyền cách mạng phải khẩn trương sửa chữa lại nhà ở, trường học, trạm xá và các công trình phúc lợi khác để phục vụ đời sống công nhân, tổ chức rà phá bom mìn để khôi phục sản xuất.

Giữa những bộn bề công việc những năm đầu giải phóng, bên cạnh nhiệm vụ khôi phục sản xuất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác : giữ an ninh trật tự , bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân. Trong thời gian này chị Hai Mác được tổ chức phân công phụ trách công an xã Cẩm Mỹ, đến đầu năm 1977, chị Hai Mác được bầu làm bí thư chi bộ phụ trách cả nông trường và xã. Đến nay, nhiều người còn nhớ đến người nữ bí thư có đôi mắt sáng nghiêm nghị, luôn thực hiện phương châm ba cùng : cùng ăn, cùng ở, cùng làm; luôn sát cánh với cán bộ chiến sĩ, công nhân lao động; lúc dầu giãi gió mưa ngoài lô cao su với công nhân, khi cùng với lực lượng vũ trang địa phương, đội bảo vệ nông trường thâu đêm truy quét tệ nạn, mật phục trong vườn rẫy ngăn chặn những ổ nhóm tàn quân, phản động. Trong những năm khó khăn đó, chị Hai Mác đã cùng với lực lượng bảo vệ nông trường, công an, du kích xã đã phát hiện và truy quét tận rừng sâu, tóm gọn một bộ phận tổ chức phản động “Mặt trận cao nguyên Fulro”, diệt 2 tên, bắt sống 9 tên thu nhiều súng ống, đạn dược và tài liệu. Ngoài ra cũng làm tan rã nhiều nhen nhóm chính trị phản động và bọn phá hoại hình sự, bảo vệ tốt trật tự trị an cho công nhân và nhân dân địa phương.

QUYẾT THẮNG GIẶC ĐÓI NGHÈO

Năm 1983, thành lập đảng bộ cơ sở nông trường Cẩm Mỹ, Công ty cao su Đồng Nai ra quyết định bổ nhiệm Lê Thị Mác làm giám đốc nông trường, cũng trong năm này nông trường hình thành đội sản xuất mới, đội 3 Hoàn Quân. Lực lượng lao động được bổ sung nhiều di dân từ miền Bắc và Bình Trị Thiên vào lập nghiệp, đã lên đến 2.500 người cùng với hơn 5.000 gia thuộc ăn theo.

Bên cạnh việc tổ chức điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao, mục tiêu xóa đói nghèo cho người lao động vẫn là nỗi đau đáu của người nữ chiến sĩ ngày nào. Với sự tinh tế của người phụ nữ, chị Hai Mác đặt ra mục tiêu phải cải thiện đời sống cho công nhân, không chỉ về vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Với chủ trương tận dụng hai nguồn tài nguyên quý giá là lao động và đất đai, nông trường đã chia đất trồng cao su còn trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cho gia đình công nhân xen canh hoa màu, phần đất còn lại nông trường tổ chức xen canh tập thể xây dựng quỹ phúc lợi. Nông trường thành lập trại chăn nuôi để sản xuất heo thịt và cung cấp con giống cho gia đình công nhân chăn nuôi. Kết quả số hộ nghèo giảm dần, hằng năm dưới 5% số hộ công nhân, dù còn khó khăn, nhưng rất nhiều hộ công nhân đã mua sắm đủ tiện nghi nghe nhìn, xe máy phục vụ việc đi lại.

Nửa cuối thập niên 80, từ nguồn quỹ phúc lợi xen canh, nhiều công trình lần lượt mọc lên: Cửa hàng bách hóa, Hội trường hơn 600 chỗ đa chức năng: hội họp, chiếu phim, biểu diễn ca nhạc, Thư viện hơn 3000 đầu sách, Câu lạc bộ công nhân, Nhà truyền thống với hơn 200 hiện vật, Văn phòng làm việc của nông trường và sau cùng là Công viên văn hóa Đồi Sơn Thủy với diện tích hơn 10 ha trở thành nơi vui chơi giải trí cho công nhân và nhân dân địa phương.

Năm 1986, tình hình giá cả tăng vọt, đời sống công nhân hết sức khó khăn, tệ nạn tiêu cực phát triển, công nhân ở một số nông trường bỏ việc nhiều, riêng nông trường Cẩm Mỹ lao động không biến động, sản xuất vẫn phát triển ổn định.

Thống kê thu nhập hàng năm của nông trường năm sau luôn cao hơn năm trước và cao hơn mặt bằng bình quân của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo phải trợ cấp giảm dần, đến năm 1999 không còn hộ phải trợ cấp, và đặc biệt không có hộ công nhân thiếu đói. Từ giữa thập niên 90, nông trường Cẩm Mỹ vươn lên trở thành điểm sáng trong toàn ngành cao su, đứng đầu trong 200 nông trường cao su, là điển hình tổ chức sản xuất hiệu quả và chăm sóc tốt đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

Tính đến thời điểm nghỉ hưu của chị Hai Mác vào năm 2005, nông trường Cẩm Mỹ đã liên tục đạt đơn vị toàn diện, là lá cờ đầu của Công ty cao su Đồng Nai trong nhiều năm liền.

ĐẰNG SAU CHIẾN CÔNG CÓ CẢ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, đồn điền Cẩm Mỹ đã có hơn 550 thanh niên nam nữ tham gia cách mạng, có 112 liệt sĩ, 103 thương binh và 96 cán bộ công nhân bị địch bắt đày đi các nhà lao. Với những hy sinh cống hiến to lớn đó, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước, nông trường Cẩm Mỹ vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trên bục phát biểu trong ngày trọng đại đó, chị Hai Mác đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất Cẩm Mỹ. Các bà má liệt sĩ thì thầm với nhau : “Con mít ướt lại khóc nữa rồi”.

            Biệt danh “Con mít ướt” được các ông bà cụ lâu năm ở Cẩm Mỹ gắn cho chị Hai Mác với tất cả tình thương yêu trân trọng, theo như đồng chí Lê Sắc Nghi – nguyên tổng cục phó tổng cục cao su Việt Nam kể lại : Các ông bà công tra cũ nói về chị Hai Mác : “Khi đánh Mỹ nó đánh giặc rất hăng, nhưng rủi có đồng đội hy sinh hoặc bị thương nó khóc cả tháng trời, có lúc đột kích ấp chiến lược không đánh được địch, về lại căn cứ nó cũng khóc. Khi làm lãnh đạo ra lô thấy công nhân cạo phạm nhiều, cây cao su bị bò ăn chết, nó ấm ức khóc. Khi lên hội nghị báo cáo việc gì có liên quan đến nỗi khổ công nhân nó cũng khóc…”

            Chị Hai Mác là thế, bản lĩnh, gan dạ trong chiếu đấu với kẻ thù, quyết đoán, mạnh dạn trong điều hành công việc, thế nhưng trong đời thường rất dễ xúc động. Với nhiều người Cẩm Mỹ nhắc đến chị Hai Mác là liên tưởng hình ảnh người nữ du kích đội mũ tai bèo, khăn rằn quấn cổ, vai mang súng; có người lại nhớ đến người nữ bí thư, nữ giám đốc với chiếc xe đạp ngày ngày đồng hành với công nhân trong lô cao su; nhưng nhiều người chỉ biết đến chị Hai Mác như bao người phụ nữ Việt Nam khác: đằm thắm, tế nhị, gần gũi, đặc biệt dễ xúc động và luôn lo lắng quan tâm đến mọi người.

Nhìn lại hành trình của người nữ chiến sĩ, vừa bước ra khỏi cuộc chiến với kẻ thù đã dấn thân ngay vào cuộc chiến mới: cuộc chiến chống đói nghèo để xây dựng quê hương Cẩm Mỹ giàu đẹp. Hôm nay đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, chị Hai Mác vẫn dõi theo thế hệ đàn em, dặn dò những lời tâm huyết để thế hệ đi sau tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng nông trường Cẩm Mỹ phát triển vững mạnh hơn nữa.

 

Phạm Văn Thanh

Cẩm Mỹ, 12/12/2020.