Bài dự thi : Ký ức người lính - NT. Bình Lộc

Bài dự thi : Ký ức người lính - NT. Bình Lộc

Họ và tên: Trần Ngọc  Điệp

Đơn vị: Công đoàn Cơ sở Nông trường Bình Lộc

              Tổng Công ty Cao su Đống Nai.

 

BÀI DỰ THI “KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH”

 

Tôi sinh ra lớn lên trong thời bình. Vì vậy chiến tranh chỉ là những mảng chắp nối qua sách báo, phim ảnh và những bài học lịch sử. Cảm nhận về chiến tranh, về bộ đội cụ Hồ chỉ là lòng biết ơn sâu sắc khi được sống trong một đất nước hòa bình.

Thế nhưng, sau khi lập gia đình, qua lời kể của Bố chồng tôi - một thương binh hạng ba đã trực tiếp cầm súng trên chiến trường tôi mới thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, sự quả cảm của các chiến sỹ đã không ngần ngại hy sinh một phần máu thịt của mình để tôi được sống trong một đất nước hòa bình, được cống hiến một phần nhỏ nhoi để xây dựng đất nước.

Bố kể, Bố đăng ký đi lính khi đã có gia đình, năm ấy là khoảng những năm cuối của thập kỷ 60. Ban đầu Bố không đủ tiêu chuẩn để vào bộ đội vì quá nhẹ cân, thế là Bố chỉ được tham gia sản xuất để phục vụ chiến đấu. Thế nhưng, Bố luôn khao khát được cầm súng, Mẹ chồng tôi biết Bố rất mong được ra chiến trường, thế là trong đợt tuyển kế tiếp, Bà bày Ông mặc áo dày, bỏ cả cục đá vào túi quần để qua được xét tuyển. Bố nói đó là lần gian lận duy nhất trong cuộc đời ông. Thế nhưng sự gian lận đó bắt nguồn từ lòng yêu đất nước.

Ông tham gia Bộ đội từ đó, và 10 năm kế tiếp cho đến ngày giải phóng ông đã trải qua rất nhiều chiến trường, nhiều chức vụ. Nhưng trận đánh tại chiến trường Cà Mau sau tết Nguyên đán năm 1975, trận đánh mà Ông tưởng mình không qua khỏi là trận đánh mà ông không bao giờ quên dù chỉ một chi tiết nhỏ. Bố kể, khi ấy Bố và một đồng đội đang trong rừng, đang theo dõi động tĩnh của địch thì bất ngờ bị một chiếc máy bay thả bom, Bố thì bị thương còn Chú ấy thì đã hy sinh ngay tại chỗ. Bố đã giả chết để địch rời đi. Sau đó Bố đã dùng hết sức lực để chôn chú và đánh dấu lại mộ chú. Bố được đồng đội đưa về bệnh viện dã chiến để phẫu thuật lấy các mảnh bom, ca phẫu thuật kéo dài đến gần 10 giờ đồng hồ và Bố đã chiến thắng tử thần. Sau trận đánh đó, Bố tôi được ra Bắc điều dưỡng tại Đoàn 540, khi khỏi hoàn toàn Bố được phục viên về quê tham gia sản xuất. Thế nhưng, khi liên lạc được với gia đình người đồng đội đã hy sinh trong trận đành cuối cùng ấy thì Bố mới biết xác chú vẫn chưa được tìm thấy mặc dù bố đã khai báo rất kỹ đối với đơn vị. Bố nói, Bố rất buồn và cảm thấy áy náy khi xác chú chưa được tìm thấy. Nhưng khi ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên Bố chưa thể vào Nam tìm chú.

Năm 1985, Bố đưa  gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp và làm công nhân cao su tại Công ty cao su Đồng Nai. Đến khi cuộc sống ổn định, Bố đã tìm về chiến trường xưa để đi tìm Chú. Cái giây phút tìm được Chú, Bố đã khóc, Bố đã thực hiện được lời hẹn ước với Chú. Bố nói lẽ ra Chú phải được nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ từ rất lâu chứ không phải nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu như thế. Chỉ tại cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mãi Bố mới đưa chú về nơi đất mẹ.

Qua những ký ức của Bố, tôi mới cảm nhận rõ rệt được những khốc liệt của chiến tranh. Thế nên, tôi luôn cố gắng thật nhiều để là một công dân tốt, có như thế mới xứng đáng với những máu thịt của các bậc Cha Ông.