Thông tin nội bộ
Bài dự thi "Ký ức người lính" - Công đoàn Tổng Công ty
Bài dự thi "Ký ức người lính" - Công đoàn Tổng Công ty
CHỊ TÔI
Được sinh ra trên mảnh đất Miền Trung đầy gian khó. Gia đình có nhiều người đi cách mạng. Cậu Tư bị hy sinh trong trận đánh đẩm máu tại Bồng Sơn - Quảng Nam; Ông Ngoại, Ba Chị và các Anh con Cậu và Bác đều đi tập kết. Khi Luật 10.59 của Mỹ Diệm ra đời, bọn chúng càng thẳng tay trừng trị các gia đình có người đi theo cách mạng tại Bình Định lúc bấy giờ, không chịu nổi những trận đòn roi tra tấn của quân ngụy vì có chồng, cha và các anh em theo cách mạng, vào một đêm năm 1954 trời mùa đông lạnh buốt, một nách hai con thơ, mẹ chị choàng vội chiếc khăn ấm cho 2 chị em lên xe lửa chạy vào Miền đất đỏ Cao su bây giờ là Nông trường Cao su An Lộc thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Người Tôi nhắc đến trong bài này chính là chị Lê Thị Chúc sinh năm 1951 Nguyên Giám đốc nhà nghỉ Cao su Đồng Nai tại Thành phố Đà Lạt. Một người lính đã đi qua những chặng đường lịch sử gian lao mà hào hùng của dân tộc.
Chị kể với tôi rằng lúc bỏ quê đi Chị chưa tròn 3 tuổi còn Chị Hai của Chị mới lên năm. Với 2 bàn tay trắng là sự cơ hàn của người xa quê, mẹ chị vào làm phu cao su để nuôi 2 con nhỏ. Khi phong trào cách mạng nhóm lên ngọn lửa đấu tranh với chủ Tây cai trị người công nhân đồn điền Cao su thì mẹ chị cũng tham gia tích cực. Từ nhỏ, chị đã chứng kiến mẹ mình bị bắt và bị tra tấn nhiều trận đòn roi chết đi sống lại.
Năm 1966, mười lăm tuổi, Chị đã tham gia công tác bí mật trong lòng địch, gọi là “cơ sở”. Năm ấy chị được các anh chị nằm vùng giao nhiệm vụ liên lạc như: nắm tin tức địch đi lại, ăn ở đông hay ít, bọn chúng mặc áo màu gì? Chị được giao nhiệm vụ cầm lựu đạn và truyền đơn đưa về ấp. Lựu đạn thì được để tại địa điểm bí mật, được ngụy trang để cho người đến lấy. Bản thân chị không được biết mặt họ, còn truyền đơn thì tự đi rải và dán. Cùng làm những việc này với Chị khi đó có chị Hồ Thị Trang sau này là Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty và Chị Hảo là em gái Chị Trang. Để hoàn thành được nhiệm vụ, cả ba chị em phân công rất nhịp nhàng. Chị Chúc được cho là nhanh nhẹn và mau miệng nên được giao nhiệm vụ dẫn đường, quan sát. Chị Trang thì cầm truyền đơn và Chị Hảo nhỏ tuổi nhất được giao nhiệm vụ cầm chai hồ. Cả ba chị em cùng tính toán phân vai nếu gặp lính thì chị Chúc sẽ là người chào hỏi, em Hảo thì khóc thật to “không đi chơi đâu về ngủ thôi” nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của lính để Chị Trang có nhiệm vụ cúi xuống đất vứt truyền đơn phi tang.
Đến năm 1967, lúc này cơ sở đã nhiều, thậm chí còn đông hơn dân quân tự vệ của địch. Cá cơ sở đã đem súng và tải đạn vào trong lô Cao su để cách mạng mình tiếp nhận và vận động 50% bà con trong ấp đóng góp nuôi quân. Cũng năm 1967 bọn lính Mỹ ồ ạt về tỉnh Long Khánh đóng quân, cũng là lúc bọn chúng xem phụ nữ như những trò chơi dơ bẩn của chúng. Chúng gồm 8 đến 10 tên thay nhau hảm hiếp phụ nữ cho đến chết rồi chúng bỏ vào thùng gỗ đóng nắp lại quăng ra đống rác ở Cua heo, đoạn gần ngã tư vô Thành Phố Long Khánh bây giờ. Lúc đó nhiều người vì không có công ăn việc làm nên hằng ngày đến khui các thùng rác để lượm thức ăn thừa về ăn, thấy thi thể, họ đem chôn cất giùm mà chẳng biết người chết tên gì, gia đình ở đâu. Chị Chúc kể có lần Chị đi phụ mẹ cạo mủ cao su ở đèo mẹ bồng con gần tấm bảng An Lộc (Tổng Công ty Cao su bây giờ), xe Mỹ gồm 3 đến 4 chiếc ngừng lại chặn chân bà con công nhân đi cạo về cho bà con mình nhìn thấy cảnh chúng tra tấn những người mà chúng cho là người phía cách mạng. Bọn chúng nhồi qua, liệng lại một cô gái tuổi độ 20, chúng nhồi đến lúc cô gái không còn la và cử động được nữa, chúng lại liệng lên xe rồi đi tiếp, công nhân mình chứng kiến, đau xót vô cùng nhưng không dám làm gì. Tôi nghe mà cứ ngèn ngẹn trong cuống họng.
Đến 1968 chị Chúc được phân công công khai hoạt động. Chị có nhiệm vụ vận động bà con cả làng trai gái, già trẻ đi cưa Cao su, chặt vác cây để cản trở đường hành quân của Mỹ ngụy, nhưng sau đó phong trào bị thất bại. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đã dấy lên một phong trào đấu tranh quyết liệt. Chị như ngọn cờ đầu của số tân binh, Chị luôn động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bạn mới tòng quân. Đầu năm 1975, thực hiện chỉ thị của cấp trên, Chị cùng các cô chú anh chị khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch mới, vận động bà con công nhân Cao su nổi dây giành độc lập. Ngày 24/4/1975 Long khánh hoàn toàn giải phóng.
NGƯỜI LÍNH CỦA THỜI THỜI BÌNH
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất, công ty Cao su Đồng Nai được thành lập vào ngày 2-6-1975 với tình trạng vườn cây bị kiệt quệ, cơ sở vật chất hoang tàn, đời sống công nhân thiếu thốn cơ cực trăm bề. Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra đối với Công ty là làm sao khôi phục năng suất vườn cây, ổn định tư tưởng và đời sống cho người lao động. Chị Chúc, người chiển sĩ cộng sản trong thời chiến lại cùng các cô, các chú đồng đội của mình tiếp tục cuộc chiến của thời bình đó là, chiến đấu làm sao cho công nhân của mình có cái ăn, cái mặc và đời sống tinh thần cho công nhân cao su xứng đáng khi đi theo lá cờ của Đảng.
Năm 1988 chị được Công ty nay là Tổng công ty phân công nhận nhiệm vụ lên quản lý nhà nghỉ ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bước chân lên vùng đất khí hậu và thiên nhiên thơ mộng, Chị đã nghĩ ngay đây sẽ là ngôi nhà chung của Công nhân cao su Đồng Nai. Ban đầu, với căn biệt thự nhỏ cá nhân từ 5 đến 7 người, giờ lãnh đạo đưa công nhân lên nghỉ 30 người mỗi đợt, làm sao đây? Thế mà chỉ hơn 3 tháng sau chị đã sắp xếp chỗ nghỉ, chỗ nấu ăn để đón công nhân theo kế hoạch, vừa đón các đợt công nhân nghỉ dưỡng, Chị đã bắt tay thực hiện kế hoạch xây dựng tòa nhà mới phía sau căn biệt thự với thiết kế 25 phòng, sức chứa khoảng 90 đến 100 người.
Đến tháng 10 năm 1989 Công ty đã xong thủ tục xây dựng mới, đúng 01 năm sau nhà nghỉ hoàn thành với 25 phòng mới và 03 phòng của căn biệt thự cũ, sức chứa 90 người, “Nhà nghỉ Công ty Cao su Đồng Nai” chính thức được đi vào hoạt động. Hằng năm cứ vào mùa Cao su rụng lá đâm chồi chân chim thì cũng vào dịp đợt tết âm lịch. Bao nhiêu năm làm quản lý nhà nghỉ cũng là bấy nhiêu năm chị không về quê nhà ăn tết cùng gia đình để lo chu toàn mọi thứ cho công nhân có những ngày xuân nghỉ dưỡng chu đáo, hạnh phúc.
Những tháng nghỉ cạo công nhân được lãnh đạo cho đi tham quan nghỉ mát các địa danh khắp nơi từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, dù có đi bất cứ nơi đâu cũng không bằng nơi đây, cứ đến nhà nghỉ Đà Lạt thì công nhân luôn có cảm giác như được về chính ngôi nhà của mình và Chị Chúc lại là người bạn, người thân của họ. Chị quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của anh em công nhân. Không những thế chị còn là thầy thuốc khi công nhân cần, (chị có nghiệp vụ y tá). Chị luôn coi những công nhân đến nơi đây như là Cô, chú bác, Anh chị em, người thân của mình ở xa mới về. Ai ai đến đây cũng cảm nhận tình cảm sâu đậm mà Chị dành cho họ.
NGƯỜI LÍNH CỦA THỜI KỲ HỘI NHẬP KINH TẾ
Chị nhớ như in vào năm 1999, khi nhà nghỉ được phép nâng lên Khách sạn, lúc này cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu nên buộc phải nâng cấp. Công ty có những lý do khách quan nên không thể đầu tư vốn. Chị lại suy nghĩ, phải làm sao đây? Một ý tưởng lại lóe lên và Chị đã mạnh dạn đề xuất với Lãnh đạo Công ty tìm đối tác tiến hành theo hướng “đầu tư thu hồi vốn” có thời hạn. Kế hoạch khả thi của Chị đã được lãnh đạo Công ty Cao su Đồng Nai chấp thuận. Nhà nghỉ chính thức được đổi tên sang thành khách sạn, thay đổi hình thức từ phục vụ sang vừa phục vụ vừa kinh doanh, phối hợp cùng đối tác tìm kiếm nguồn khách đem lại lợi nhuận. Khi thay đổi mô hình quản lý, chị đã phải tìm các nguồn khách ổn định và phù hợp vì vị trí khách sạn nằm xa trung tâm. Đây cũng là yếu tố không thuận lợi vì đa phần khách du lịch chọn nơi ở ở gần trung tâm tiện đi lại. Tuy nhiên, chị tự tin với điểm mạnh của khách sạn bằng phương châm phục vụ nhiều năm qua là “Nơi đây là nhà của bạn”. Quả không sai, hàng năm ngoài các đợt công nhân Cao su lên nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, chị còn đón hằng ngàn lượt khách là những cán bộ hưu, cán bộ chính sách của các địa phương từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, các đoàn học sinh của đến nghỉ dưỡng. Họ là nguồn khách thường xuyên của khách sạn. Doanh thu hằng năm luôn ổn định và tăng trưởng. Thời gian thu hồi vốn của khách sạn được thực hiện đúng tiến độ và kết quả là nhà nghỉ được nâng cấp lên thành khách sạn trong khi Công ty không phải bỏ vốn đầu tư mà khách sạn vẫn khang trang.
Nhìn lại chặng đường đã qua Chị luôn mãn nguyên và mỉm cười mặc cho dòng đời vẫn chảy, thời gian vẫn trôi mà chị vẫn một mình lẻ bóng. Thời vàng son xuân sắc chị đã cống hiến cả tuổi trẻ cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Nay về già Chị, lại vui vầy bên cháu và nhiều hơn là những tấm lòng của các Ông Bà, các cô chú và các em, những người từng tiếp xúc với chị trong thời chiến cũng như trong thời bình. Họ luôn dành cho chị những tình cảm yêu thương và trìu mếm. Khi nhắc đến Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, nhắc đến nhà nghỉ tại Đà Lạt, ai cũng sẽ nhắc ngay đến cái tên “Cô ba Chúc”, một cái tên thật bình dị và đó cũng là niềm hạnh phúc thật giản đơn của người lính trong quá khứ và trong cuộc sống hôm nay.
Người viết: Lê Thị Nhung
Bài viết khác
- HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG TẠI CÁC CĐCS THÁNG 8 - 2022
- 125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ cuối: Bản làng trù phú bên tán cao su
- 125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 4: Vườn cao su đầu tiên ở miền đất đỏ
- HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CÁC CĐCS TRONG THÁNG 3 - 2022
- Tổng công ty cao su Đồng Nai tích cực chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong những tháng nghỉ mùa lá rụng
- Ký sự CNLĐ Công ty VRG-Oudomxay